Đặc điểm, điều kiện, thủ tục để giải thể doanh nghiệp

 Đặc điểm, điều kiện, thủ tục để giải thể doanh nghiệp

Giải thể doanh nghiệp là thủ tục chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp, với tư cách là một chủ thể kinh doanh bằng cách thanh lí tài sản của doanh nghiệp để trả cho các chủ nợ. Giải thể là thủ tục để doanh nghiệp rút khỏi thị trường một cách hợp pháp.




Khái niệm giải thể doanh nghiệp


Thuật ngữ “giải thể” được Từ điển tiếng Việt giải nghĩa là “không còn tồn tại, làm cho không còn tồn tại như một tổ chức, các thành phần, thành viên phân tán đi”. Theo cách hiểu ngày, giải thể là chấm dứt sự tồn tại của một tổ chức. Từ điển Luật học của Viện khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) định nghĩa: Giải thể doanh nghiệp “là thủ tục chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp với tư cách là một chủ thể kinh doanh bằng cách thanh lý tài sản của doanh nghiệp để trả nợ cho các chủ nợ”. 


Giải thể trước hết là hoạt động do doanh nghiệp tiến hành với các công việc chính là thanh lý tài sản và thanh toán nợ, tiến tới chấm dứt các quyền và nghĩa vụ pháp lý của doanh nghiệp để rút khỏi thị trường. Nhằm bảo vệ lợi ích của các tổ chức, cá nhân có liên quan khi doanh nghiệp giải thể, pháp luật quy định điều kiện, thủ tục tiến hành giải thể, bảo đảm cho việc doanh nghiệp chỉ chấm dứt tồn tại và rút khỏi thị trường khi hoàn thành các nghĩa vụ đã tạo lập trong quá trình hoạt động.


Như vậy, có thể hiểu: Giải thể doanh nghiệp là quá trình chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp trong điều kiện doanh nghiệp có khả năng thanh toán hoặc đảm bảo thanh toán các nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp.

Đặc điểm pháp lý của giải thể doanh nghiệp


Giải thể doanh nghiệp được khái quát bởi các đặc điểm pháp lý như sau:


  • Về bản chất: Giải thể doanh nghiệp là một quá trình với những hoạt động nhằm chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp, để doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Đây là quá trình diễn ra với các hoạt động: hoạt động kinh tế (thanh lý tài sản, thanh toán nợ) và hoạt động pháp lý (thủ tục hành chính để “xoá tên” doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh).

  • Về lý do giải thể: Lý do giải thể khá đa dạng, có thể xuất phát từ vi phạm pháp luật của doanh nghiệp hoặc ý chí tự nguyện của chủ doanh nghiệp.


Đa phần, doanh nghiệp giải thể khi chủ đầu tư không có nhu cầu tiếp tục kinh doanh hoặc kinh doanh thua lỗ nhưng chưa đến mức độ mất khả năng thanh toán nợ đến hạn. Bên cạnh đó, lý do vi phạm pháp luật của doanh nghiệp cùng với việc bị áp dụng chế tài đình chỉ hoạt động và rút giấy phép sẽ dẫn đến trường hợp giải thể bắt buộc, ví dụ như trường hợp khai man hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, kinh doanh trái phép, số lượng thành viên giảm dưới mức tối thiểu mà không xử lý, khắc phục trong thời gian luật định...


  • Về điều kiện giải thể: Doanh nghiệp chỉ thực hiện thủ tục giải thể để rút khỏi thị trường khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, thực hiện xong các nghĩa vụ tài sản. Nếu mất khả năng thanh toán khoản nợ đến hạn, doanh nghiệp thuộc trường hợp áp dụng pháp luật phá sản để chấm dứt hoạt động. Như vậy, có thể nói, khả năng thanh toán của doanh nghiệp là yếu tố quyết định việc doanh nghiệp rút khỏi thị trường thông qua thủ tục giải thể hay phá sản.


  • Chủ thể quyết định việc giải thể: Chủ sở hữu doanh nghiệp là người quyết định việc giải thể doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh không có thẩm quyền đồng ý hay phản đối việc giải thể mà chỉ xem xét tính hợp lệ của hô sơ giải thể và khi không có khiếu nại về việc giải thể thì sẽ quyết định cập nhật tình trạng “đã giải thể” của doanh nghiệp trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (trước đây gọi ỉà chấp thuận hồ sơ giải thể và xoá tên doanh nghiệp trong Sổ đăng ký kinh doanh).


Đối với các trường hợp giải thể bắt buộc, chủ sở hữu doanh nghiệp buộc phải quyết định giải thể doanh nghiệp trên cơ sở quyết định đình chỉ hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của cơ quan có thẩm quyền hay quyết định của Toà án. Trong trường hợp này, mặc dù không trực tiếp ra quyết định giải thể nhưng về bản chất, có thể coi cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ thể quyết định giải thể doanh nghiệp, vì chủ sở hữu doanh nghiệp ra quyết định giải thể mà không xuất phát từ tự do ý chí của mình.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT TRƯỚC KHI THÀNH LẬP CÔNG TY

Điều cần lưu ý sau khi thành lập doanh nghiệp mới